Thông tin thêm Sông_Bảo_Định

Chỗ sông Bảo Định tiếp giáp với sông Tiền ở thành phố Mỹ Tho
  • Theo Trịnh Hoài Đức, thì lúc bấy giờ để có chỗ "đứng nhắm đo đạc địa thế", người ta cho dựng một cái thang cao, tục gọi là thang trông (tên chữ là Vọng Thê), và về sau nó trở thành địa danh: chợ Thang Trông ở xã Phú Kiết thuộc huyện Chợ Gạo[4]. Tuy nhiên, theo monographie thời Pháp thuộc thì cái tên này bắt nguồn từ "cái thang cao để trông chừng địch quân". Và nó (sách chuyên khảo này ghi là Thân Trong hay Thân Trọng) đã có từ thời chúa Nguyễn đánh nhau với quân Tây Sơn, nhưng có người lại cho rằng nó có từ khi giao chiến với quân Thổ (thời Nguyễn Cửu Vân?)[5].
  • Đây là một trong số địa bàn hoạt động của nghĩa quân Thủ Khoa Huân, và là thủy lộ chính đã được quân Pháp sử dụng để đưa quân và tàu chiến đến đánh chiếm tỉnh Định Tường năm 1861 (xem trang Pháp đánh chiếm Định Tường). Bởi có vai trò quan trọng về quân sự và nhiều mặt khác nữa, năm 1867 (có tài liệu ghi là năm 1866), thực dân Pháp đã cho dùng chiếc xáng múc để nâng cấp dòng kênh, và nó lại trở thành là con kênh đầu tiên ở Nam Bộ được nạo vét bằng phương tiện cơ giới.
  • Sông Bảo Định trở thành bút danh của một nhà thơ đất Nam Bộ, đó là Bảo Định Giang (1919-2005). Ông kể:
...Thủ Khoa Huân bị quân Pháp đóng gông chở đi bằng thuyền xuôi dòng Bảo Định đến Mỹ Tịnh An để hành quyết. Với lòng biết ơn sâu sắc, buộc tôi chọn cái tên Bảo Định Giang đặt làm bút danh của mình trước khi bước vào cuộc chiến kháng chiến. Đó là đêm giao thừa năm 1946...[6]